Chúng tôi xin cung cếp đến quý khách hàng quy trình thủ tục xin cung cấp dịch vụ điện thoại VOIP như sau:
. Trình tự thực hiện:
a. Nộp hồ sơ:
- Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép theo đúng quy định và nộp hồ sơ về Cục Viễn thông.
- Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Viễn thông hoặc gửi theo đường bưu chính tới Cục Viễn thông (Tòa nhà VNTA, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
b. Xem xét, xử lý hồ sơ:
- Cục Viễn thông chủ trì xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo cho doanh nghiệp biết về tính hợp lệ hồ sơ theo quy định.
- Khi nhận được đủ hồ sơ theo quy định, Cục Viễn thông phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ và cấp phép cho doanh nghiệp (đối với loại hình dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông không sử dụng băng tần số VTĐ), hoặc trình Bộ trưởng Bộ TTTT cấp phép cho doanh nghiệp (đối với loại hình dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông sử dụng băng tần số VTĐ).
- Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 19 (Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số VTĐ, số thuê bao viễn thông) và Khoản 3 Điều 20 Nghị định 25/NĐ-CP (Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất), doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm thực hiện giấy phép theo thông báo của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi được cấp giấy phép.
- Trường hợp từ chối cấp phép, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết.
2. Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp;
- Bản sao có chứng thực điều lệ của doanh nghiệp;
- Kế hoạch kinh doanh trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; chất lượng dịch vụ; giá cước dịch vụ; dự báo và phân tích thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng năm; hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; nhân lực; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ;
- Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Cấu hình mạng viễn thông sẽ sử dụng theo từng năm, cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng và thiết bị viễn thông; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên viễn thông; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; kết nối viễn thông; phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ; biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin;
- Dự thảo hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông mẫu đối với các dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.
Số lượng hồ sơ: 05 bộ
3. Thời hạn giải quyết:
- Cục Viễn thông tiếp nhận và thông báo cho Doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ trong vòng 05 ngày làm việc.
- Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Viễn thông phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp phép hoặc trình Bộ trưởng Bộ TTTT cấp phép theo quy định.
- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất có sử dụng băng tần số VTĐ, số thuê bao viễn thông, mạng viễn thông di động mặt đất được cấp giấy phép viễn thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm thực hiện giấy phép theo thông báo của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.
4. Lệ phí:
a) Lệ phí cấp giấy phép mở dịch vụ viễn thông mới:
- Dịch vụ cơ bản:
+ Phạm vi khu vực: 3.000.000 VND
+ Phạm vi liên khu vực: 4.000.000 VND
+ Phạm vi Toàn quốc: 5.000.000 VND
- Dịch vụ giá trị gia tăng:
+ Phạm vi khu vực: 1.000.000 VND
+ Phạm vi liên khu vực: 2.000.000 VND
+ Phạm vi Toàn quốc: 3.000.000 VND
b) Lệ phí cấp phép cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng và Internet:
- Dịch vụ kết nối Internet: 2.000.000VND
- Dịch vụ truy nhập Internet: 1.000.000VND
- Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông:
+ Phạm vi khu vực: 300.000VND
+ Phạm vi liên khu vực: 500.000VND
+ Phạm vi toàn quốc và vệ tinh: 700.000VND
Ghi chú: Mức thu trên áp dụng cho giấy phép có thời hạn 5 năm. Thời hạn giấy phép trên 5 năm đến 10 năm thu bằng 1,5 lần; thời hạn giấy phép trên 10 năm đến 20 năm thu bằng 2 lần mức thu trên.
5. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết cung cấp dịch vụ viễn thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông;
+ Có đủ khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án;
+ Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;
+ Có biện pháp bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
6. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Viễn thông;
- Nghị định 25/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
- Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử;
- Thông tư số 05/2008/TT-BTTTT ngày 12/11/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số điều của Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử;
- Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT ngày 18 tháng 5 năm 2012 về phân loại dịch vụ viễn thông
- Quyết định 215/2000/QĐ-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thu lệ phí cấp phép hoạt động Bưu chính Viễn thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.